Cách để vượt qua các bài báo cáo bằng tiếng Nhật

Có lẽ đối với các bạn hiện đang học tập tại các trường senmon, đại học việc viết báo cáo là một việc không còn là một chuyện xa lạ. Sẽ có những bài báo cáo yêu cầu 2000 chữ, 3000 hoặc 6000 chữ. Với yêu cầu này không phải cứ nói là ra chữ. Và cũng không phải 1 hay 2 môn mà có thể là cả 4, 5 môn cần phải làm.

Cách vượt qua các bài báo cáo bằng tiếng Nhật
Cách vượt qua các bài báo cáo bằng tiếng Nhật

Vậy có cách nào để vượt qua các bài báo cáo bằng tiếng Nhật này?

1. Đừng chối bỏ Google dịch

Thật ra, mình cũng hay làm điều này nhưng không dám thừa nhận nó. Bởi vì trong nhận thức của mình, đối với một người học ngôn ngữ mà nói dùng google dịch có lẽ sẽ bị mọi người cười chê. Và mình nghĩ điều này chắc không chỉ riêng bản thân mình nghĩ vậy. Thế nhưng, tới một hôm gần đây mình có làm 1 bài báo cáo và nộp cho thầy người Nhật. Thầy dạy môn “Life design”. Thầy tốt nghiệp tiến sỹ ở trường đại học Kyoto và hiện tại đang là giáo sư của trường mình. Thầy có bảo mình thế này:

“Nói ra có vẻ không hay nhưng các bạn khi viết report có thường sử dụng Google Translate không? Tôi khi viết báo hay report bằng tiếng anh thường sử dụng nó vì tôi thấy nó rất hữu ích. Nếu chưa thì hãy dùng thử nó nhé. Nó sẽ giúp bạn hình dung ra được câu bạn muốn truyền đạt bằng tiếng Nhật sẽ như thế nào. Từ đó bạn có thể sử dụng kiến thức của mình để chỉnh sửa lại một lần nữa”

Vâng! Kể từ ngày hôm đó mình chẳng còn cảm thấy ngại khi tự nhận sử dụng Google dịch nữa!

Google là một cái kho mà trong đó có chứa một lượng dữ liệu lớn nhất thế giới. Một yêu cầu của bạn Google có thể cho bạn hàng ngàn gợi ý trong vòng chưa đầy 1 phút. Và tương tự vậy với một câu văn bạn đang suy nghĩ nên viết như thế nào thì bạn chỉ cần bỏ thử lên Google dịch bạn cũng sẽ có ngay 1 vài gợi ý. Bạn hoàn toàn có thể sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức từ đồng nghĩa và câu đồng nghĩa trong tiếng Việt.

Đương nhiên không phải cầm nguyên bản đó đem bỏ vào bài báo cáo. Chúng ta cần phải có khâu tự kiểm tra và sắp xếp lại dựa trên những kiến thức về tiếng Nhật mà chúng ta đã được học. Nếu gặp một câu nào đó bạn không thể xác nhận đúng hay sai thì hãy mang nguyên cụm đó lên google search. Chỉ trong tích tắc các kết quả tương tự sẽ hiện ra. Từ đó bạn sẽ có thể biết liệu câu đó người Nhật có sử dụng hay không.

2. Lên bố cục bài trước khi bắt đầu viết ( hay gọi cách khác là đề cương )

Một bài báo cáo thường có 4 phần: 序論・本論・結論・参考文献

Cách vượt qua các bài báo cáo bằng tiếng Nhật
Nguồn Internet

Trong một bài báo cáo, việc tìm ra các luận điểm là việc rất quan trọng. Trước khi bắt đầu viết bạn cần phải biết bài của mình nói về vấn đề gì, gồm bao nhiêu luận điểm và đó là những luận điểm gì. Sau đó, bạn sắp xếp thành một bố cục bài theo các luận điểm đã nêu trên. Dù bài của bạn ngắn hay dài bạn cũng nên lập sẵn cho mình một dàn ý xuyên suốt theo các luận điểm cụ thể như vậy. Khi bắt tay vào viết, bạn chỉ cần tập trung phân tích bám vào các luận điểm đã được nêu ra thôi.

3. Kỹ năng quan trọng nhất khi viết báo cáo

Bài báo cáo có thể được gọi là bài nêu ra quan điểm, ý kiến của bản thân từ việc thu thập các thông tin liên quan. Chính vì vậy, theo mình 2 kĩ năng quan trọng đó chính là:

  • Khả năng phân tích: Phân tích những thông tin và kiến thức mình có
  • Tính Logic: Kết hợp những phân tích trên và đưa ra quan điểm ý kiến phù hợp

Thật ra, 2 kĩ năng này không chỉ quan trọng với việc viết báo cáo mà đối với tất cả các việc cần xử lý trong cuộc sống đều rất quan trọng

4. Học cách tham khảo và trích dẫn từ sách vở, tài liệu tham khảo, internet

Không có một ý kiến, quan điểm hay câu trả lời nào mang tính tuyệt đối. Chính vì vậy bạn cần đọc tham khảo các bài báo, bài luận và các tài liệu liên quan để đưa ra được những ý kiến khách quan nhất. Tuy nhiên, tài liệu tham khảo quan trọng nhất vẫn là tài liệu giảng dạy của thầy cô và cuốn sách giáo khoa của môn học. Hãy bám theo nội dung giảng dạy của thầy cô để tìm ra được “điểm kì vọng” của thầy cô. Khi biết được thầy cô muốn gì ở bạn, bạn sẽ biết bản thân cần làm gì và làm tới đâu.

Ngoài ra, có một nguồn bạn không thể bỏ qua, đó chính là internet. Mình rất khuyến khích các bạn đọc sách báo để có thêm thông tin. Tuy nhiên, việc mua sách bên Nhật khá đắt đỏ. Và không thể vì một câu một từ trích dẫn mà đọc cả cuốn sách được. Chính vì vậy việc tìm kiếm thông tin nhanh nhất vẫn là internet bằng những cụm từ khóa gần nhất.

5. Trau dồi các vốn từ tiếng Nhật dùng trong văn viết

Phần này các bạn có thể tham khảo các bài viết sau. Mình mới viết được 2 phần, mình hứa sẽ cập nhật thêm phần 3, 4 trong thời gian sớm nhất

Từ ngữ dùng trong văn nói và văn viết – Tiếng Nhật (P1) – Từ nối

Từ ngữ dùng trong văn nói và văn viết – Tiếng Nhật (P2) – Trạng từ

Nếu có thể mình nghĩ các bạn nên tham khảo thêm những quyển sách nói về cách viết báo cáo bằng tiếng Nhật đơn giản. Nó vừa giúp bạn nâng cao vốn từ thường sử dụng trong báo cáo vừa tăng khả năng đọc hiểu. Bạn có thể tham khảo:

Hi vọng bài viết hữu ích đối với các bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài!