Tết ở Nhật có gì

Lại một năm mới sắp đến, bạn đã hoàn thành hết mục tiêu năm 2022 dành cho bản thân chưa? Dẫu cho là kết quả như thế nào thì cũng hãy thưởng cho bản thân một cái Tết tràn đầy ý nghĩa nhé. Hôm nay chúng mình sẽ cùng tìm hiểu xem “Tết ở Nhật có gì”. Thực ra, gọi là tết cho nghe cảm giác thân thương thôi, chứ ở Nhật năm mới được tính theo dương lịch. Và được gọi theo tiếng Nhật là お正月(Oshougatsu)

1. Tổng vệ sinh nhà cửa

Cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản vào những ngày này mọi người cũng sẽ tổng vệ sinh nhà cửa. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị… vào thời điểm này sẽ bán nhiều dụng cụ dọn dẹp nhà cửa hơn.

2. Treo しめ縄 – Shimenawa và 門松 – Kadomatsu trước cửa nhà

Đây là hành động mang ý nghĩa tâm linh.

Vào dịp này, các gia đình Nhật Bản sẽ treo Shimenawa và Kadomatsu trước cửa nhà.

しめ縄 – Shimenawa: Người ta nói rằng nguồn gốc là từ thần thoại về Amaterasu Omikami. Chuyện kể rằng cách đây rất lâu, khi Amaterasu Omikami được đưa ra khỏi hang, các vị thần đã giăng một sợi dây quanh hang để ngăn bà vào hang lần nữa. Từ đó trở đi, shimenawa được sử dụng như một “dấu hiệu để bảo vệ lãnh thổ của thần linh”.

② 門松 – Kadomatsu có nghĩa là “Thông (ở) cửa” là một khối tròn, được kết bằng một loại cành thông đặc biệt cùng với 3 đoạn tre vạt chéo bên ngoài bện bằng rơm. Cây thông tràn đầy sức sống được coi là vật trang trí đón năm mới rất thích hợp là cây nơi thần tài trú ngụ. Do đó, người Nhật quan niệm rằng “thông” mang lại sự may mắn và trường thọ.

3. Thờ cúng tổ tiên và các vị thần

Cũng như Việt Nam chúng ta, năm mới là dịp gửi sự thành kính tới ông bà, tổ tiên, và các vị thần. Họ sẽ làm các loại bánh để lên bàn thờ, và thờ cúng. Đây là một lễ vô cùng quan trọng, để tưởng nhớ, thể hiện đạo hiếu với người đã khuất.

4. Osechi – Oseibo

① Osechi (お節) : Nguồn gốc của ẩm thực Osechi bắt nguồn từ osechiku, thức ăn được dâng lên các vị thần trong các dịp lễ kỷ niệm. Osechi đặc biệt ở cách trình bày vì thức ăn được đựng vào một tráp sơn có nhiều ngăn có tên gọi là jyubako(重箱). Mỗi món ăn trong Osechi đều có ý nghĩa tốt đẹp, may mắn trong năm mới. Ví dụ như là

  • Kuromame(黒豆) mang ý nghĩa một sức khoẻ tốt, học hành và làm việc chăm chỉ
  • Kazunoko(数の子) có ý nghĩa con cháu đầy đàn, gia đình thịnh vượng

② Oseibo (お歳暮) là món quà dành tặng cho những người mà chúng ta đã mang ơn trong một năm qua như một lời tri ân. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ thời Edo. Môt năm thường có 2 lần đó là vào Lễ hội Obon và vào dịp cuối năm này. Thường được gửi qua dịch vụ chuyển phát thông qua các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên môn.

5. 年賀状 – Nengajou – Thiệp chúc Tết

Người Việt chúng ta thì có văn hoá đến chúc Tết từng nhà. Còn đối với người Nhật, Tết là khoảng thời gian dành cho gia đình nên sẽ hạn chế việc qua lại nhà nhau. Thay vào đó, họ có thói quen viết thiệp chúc Tết (Nengajo) và gửi tới bạn bè, người thân. Những thiệp chúc Tết này, nếu được gửi đi trước ngày 25/12 thì sẽ đến tay người nhận vào đúng ngày 1 Tết. Còn gửi trước ngày 28 Tết thì bưu thiếp sẽ đến nơi từ ngày mùng 3 trở đi.

Nếu bạn làm ở combini, bạn sẽ thấy những ngày đầu tháng 12 sẽ có rất nhiều khách đến đặt thiệp. Có gia đình đặt đến 200 tấm thiệp.

Lưu ý là nếu có gia đình bạn bè có tang thì không được gửi thiệp chúc tết nhé.

Trong trường hợp nhận được thiệp từ một người mà mình chưa gửi đi trước đó thì mình vẫn có thể viết và gửi hồi đáp, thường thiệp hồi đáp sẽ rơi vào ngày mùng 7-10

Nét đẹp văn hóa này đến bây giờ cũng dần không còn phổ biến. Giới trẻ ngày nay có xu hướng nhắn tin thông qua MXH là chính.

6. Đi chùa đầu năm mới

Đi chùa đầu năm đã trở thành phong tục của người Nhật. Ngày nay vẫn còn một số nơi giữ được văn hóa đi chùa đón giao thừa vào lúc 12h đêm. Những ngôi chùa nơi đây luôn là nơi thu hút đông khách nhất. Mọi người đến các đền, chùa để cầu mong hạnh phúc, may mắn trong năm mới. Họ thường mua bùa, và rút quẻ và lấy đó để chiêm nghiệm cho những ngày tới trong năm.

Người Nhật thường không nghỉ Tết nhiều như Việt Nam mình. Tết của họ thường chỉ tập trung vào khoảng 3, 4 ngày. Và những ngày này sẽ là một dịp hiếm hoi trong năm mà các ga trung tâm thường vắng bóng người qua lại.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tìn về văn hóa Nhật Bản ở danh mục: Trải nghiệm văn hóa Nhật Bản