Cùng đọc ‘Khuyến học – Fukuzawa Yukichi’

Nếu có thể mình xin phép được đánh giá cuốn sách này : 4/5 💗
Độ dày: 244 trang

🔎 Sơ lược về tác giả:

Fukuzawa Yukichi – Là người có ảnh hưởng lớn tới xã hội Nhật Bản cận đại, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Hình của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất tại Nhật Bản

Tờ tiền 1 man của Nhật - Fukuzawa Yukichi
Tờ tiền 1 man của Nhật – Fukuzawa Yukichi

🔓 Cảm nhận về quan điểm và cách dịch của người dịch:

Không thích câu trích dẫn ở ngay trang bìa lắm. Vì rất dễ gây hiểu nhầm và suy nghĩ không mấy tích cực về quốc gia của mình. Sai thì không sai nhưng dường như không truyền đạt được thông điệp tác giả Fukuzawa Yukichi muốn gửi gắm xuyên suốt cuốn sách. Nhưng có thể vì chính cái cách nhìn mạnh bạo này nên khi dịch cuốn sách, người dịch đã thể hiện được rất rõ nét quan điểm của tác giả. Nói chung dễ đọc, dễ nuốt và dễ tiêu.

💕💕 Câu nói tâm đắc nhất trong cuốn sách:

“Trời không tạo ra người đứng trên người”

🔗🔗 Đi sâu vào nội dung chính:

” mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn ” NHƯNG ” không thể có miếng ăn ngon nếu chỉ là cái Tủ Kiến Thức “

Tác giả đã rất khách quan khi đưa ra quan điểm của bản thân. Cứ mỗi luận điểm là lại có những luận cứ và dẫn chứng rõ ràng.

Thực sự rất ấn tượng với cái cách nhìn nhận vấn đề sâu rộng của tác giả, kiến thức uyên thâm và sự cảm nhận tâm lý sâu sắc. Tác giả rất công bằng khi khen cái cần khen, chê cái cần chê, góp ý những cái cần khắc phục. Trong cuốn sách, tác giả luôn thể hiện được tinh thần dân tộc cao vời vợi. Nhìn nhận được sự phát triển của quốc gia mình. Và khẳng định vai trò gánh vác đất nước là của mỗi người. Tốt hay đẹp dựa vào thành quả của từng người, chứ không phải tất cả phụ thuộc vào nhà nước, vào chính phủ.

Đầu máy hơi nước là phát minh của Watt, đường sắt là thành quả của Stephenson, tìm ra nguyên lý kinh tế là Adam Smith…Tất cả họ đều không phải là bộ trưởng, không thuộc bộ máy chính phủ. Theo lời tác giả thì Nhật Bản trước đây cũng như bao quốc gia nghèo khổ khác. Phân biệt tầng lớp cao, người giàu thì vẫn mãi giàu, người nghèo thì muôn đời nghèo. Nhưng tác giả đã thông qua cuốn sách giúp người dân nhận thức lại vấn đề.

Vấn đề là do đâu?
Không phải vì chế độ, không phải vì chính phủ, không phải vì bất kì ai… mà vì chính họ.

Sau khi nhận thức được lý do thì tác giả bắt tay vào gợi mở hướng thay đổi.

Nhật Bản không tự dưng giỏi, không tự dưng giàu, không tự dưng phát triển. Được như ngày hôm nay cũng nhờ có những người dám nói và dám HÀNH ĐỘNG thay đổi và vun đắp đất nước mỗi ngày. Nếu bất kì ai cảm thấy mình làm được điều gì đó thì nên làm và kêu gọi người xung quanh hành động ngay chứ không phải ngồi một chỗ chê trách.

Ngẫm lại thì thấy câu “ Thế giới thay đổi khi chúng ta thay đổi” cách đây mấy năm mình có được đọc trong cuốn “Thế giới phẳng” là hoàn toàn chính xác. Khi bản thân mỗi chúng ta phát triển tốt, nhận thức giỏi, tinh thần tự lực tự cường cao thì ắt sẽ tạo ra một tập thể tốt. Bản thân chúng ta chưa tốt thì đừng đòi hỏi quốc gia phải hoàn hảo trước, để chúng ta thừa hưởng và làm mái che suốt đời.

Nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng thuế, tuân thủ pháp luật. Nhà nước có nghĩa vụ nhận thuế, phân chia chi tiêu cho việc công một cách rõ ràng minh bạch. Đặc biệt là tạo ra luật lệ để trấn áp kẻ bất lương và bảo vệ dân lành. Nếu cả 2 bên đều thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì đất nước nào chẳng phát triển. Còn nếu chưa phát triển thì phải chăng là do cả 2 chưa tốt. Đứng núi này phân bua núi kia dở, ở trong hang này bảo hang kia tối. Chính vì vậy mình thiết nghĩ nên xem xét lại bản thân trước rồi hãy than thân trách phận và đổ lỗi cho đối phương.

📝📝 Cuốn sách cũng trả lời được câu hỏi mà hiện giờ các bạn trẻ rất bận tâm, đó là:

HỌC ĐỂ LÀM GÌ??” 🧐🧐

Theo giáo sư Trương Nguyện Thành:
Học để có một cuộc sống sung túc hơn. Học để có cơ hội khám phá bản thân, khẳng định giá trị với chính mình, với gia đình và với xã hội. Và cuối cùng học để làm người tử tế

Thì ở đây theo tác giả Fukuzawa Yukichi:
Học vì xã hội

Tuy 2 cách trả lời diễn đạt khác nhau nhưng cùng hướng tới mục đích chính đó là nêu bật ra tầm quan trọng của việc học.

Vậy giờ chúng ta sẽ phải học cái gì và học như thế nào?

Học những cái thực dụng trong cuộc sống:

☠️ Học cách soạn thảo văn bản, thư từ, ghi chép trương mục kế toán
☠️ Học cách cân đo, đong, đếm
☠️ Học Địa Lý để hiểu về phong thổ nước mình và các nước bạn
☠️ Học Vật Lý để phân biệt tính chất của mọi vật thể, qua đó tìm ra tác dụng của nó
☠️ Học Sử để chúng ta có thể hiểu cặn kẽ mọi sự kiện được ghi trên niên biểu lịch sử. Qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của mỗi quốc gia
☠️ Học kinh tế để giải đáp mọi vấn đề liên quan tới chi tiêu của bản thân, gia đình và cả quốc gia
☠️ Học đạo đức để hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người.

Và còn nhiều quan điểm hay ho nữa, nếu được mọi người đọc thử nhé 🤗🤗

Cảm ơn các bạn đã đọc bài nhé <3